Doanh nghiệp thép tăng giá 3 lần trong tuần đầu tháng 4: Nhà thầu xây dựng méo mặt, đại lý phân phối báo giá 2 ngày/lần
Trước tháng 7/2020, giá sắt cuộn 11.500 đồng/kg nhưng đến nay lên trên dưới 16.000/kg, tăng 4.500/kg (tương ứng mức tăng 39%).
Ngày 7/4/2021, công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên gửi thông báo đến khách hàng tăng giá sản phẩm thép cốt bê tông cán nóng, mức tăng 300.000 đồng/tấn cho tất cả các sản phẩm, thời gian áp dụng từ ngày ký. Lý do Hoà Phát Hưng Yên đưa ra là do tình hình giá phôi thép, giá chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng khiến nhà máy phải tăng giá thành phẩm.
Trước đó, ngày 01/04, nhà máy thép Hưng Yên cũng ra thông báo tăng giá sản phẩm thép cốt bê tông cán nóng, loại thép cây 150.000 đồng/tấn (giá chưa bao gồm VAT), thời gian áp dụng từ ngày 01/04/2021 tại khu vực miền Nam. Tôn Hoà Phát cũng thông báo tăng 400 đồng/kg áp dụng từ ¼. Ngày 04/04, Hoà Phát tiếp tục điều chỉnh giá thép. Như vậy chỉ trong 1 tuần, giá thép được điều chỉnh tăng 3 lần.
Theo ghi nhận của Kinhtedothi, giá thép cuộn CB240 của Hoà Phát ngày 07/04 giao dịch ở mức 15.280 đồng/kg (miền Bắc), 15.810 đồng/kg (miền Trung), 15.480 đồng/kg (miền Nam).
Với thép Việt Ý ghi nhận mức giá tăng đồng loạt, với thép cuộn CB240 đang ở mức 15.430 đồng/kg, trong khi đó thép D10 CB300 tăng nhẹ lên mức 15.330 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Đức hiện mức giá thép cuộn CB240 15.380 đồng/kg (miền Bắc), 15.430 đồng/kg (miền Trung) và D10 CB300 là 15.310 đồng/kg.
Thương hiệu Kyoei ghi nhận tăng cao, hiện giá thép cuộn CB240 và D10 CB300 có sự tăng mạnh đang ở mức 15.380 đồng/kg.
Với thép Mỹ ghi nhận mức giá cao, với thép cuộn CB240 đang ở mức 15.390 đồng/kg; thép D10 CB300 là 15.410 đồng/kg.
Thép Pomina tăng mạnh về giá, với thép cuộn CB240 và thép D10 CB300 đã tăng mạnh lên mức 15.790 đồng/kg.
Theo khảo sát của Báo Giao thông tại các đại lý sắt thép ở miền Bắc, hàng khan hiếm, giá thép tăng liên tục nên các đại lý sắt thép chỉ báo giá với khách hàng 2 ngày/lần. Trước tháng 7/2020, giá sắt cuộn 11.500 đồng/kg nhưng đến nay lên trên dưới 16.000/kg, tăng 4.500/kg (tương ứng mức tăng 39%). Khảo sát bảng giá trên một website uy tín của ngành thép, tháng 6/2020, giá thép Hoà Phát loại phi 22 được báo 280.000 đồng/cây, hiện nay 463.000 đồng/cây, tăng 65%; Thép Việt Nhật phi 22 đang báo 489.000 đồng/cây, cao hơn 96.000 đồng (24%) so với tháng 6/2020 là 393.000 đồng/cây.
Giá thép tăng vọt ảnh hưởng mạnh đến các nhà thầu xây dựng, các nhà thầu méo mặt vì chi phí xây dựng tăng mạnh sẽ làm giảm lợi nhuận.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, xuất khẩu sắt và thép Việt Nam đạt 1.826 tỷ USD trong quý đầu năm nay, tăng mạnh 65,2% (tương đương 720 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, xuất khẩu sắt và thép thô, cũng như thép cuộn tăng 14,4% và 54% trong khi thép hình giảm 1,6%.
Chu kỳ tăng giá thép sẽ còn tiếp diễn đến nửa cuối 2021
Theo báo cáo ngày 07/04 của CTCP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BSC), giá thép trong đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2021. Trong khi giá thép dài về lại mức đỉnh năm 2018 thì giá thép dẹt, đại diện bởi HRC đã vượt đỉnh 10 năm, đặc biệt là giá tại Mỹ và EU.
Theo đánh giá của BSC, chu kỳ tăng giá thép sẽ còn tiếp diễn đến nửa cuối năm 2021 nhờ vào những gì diễn ra tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và EU. BSC cho rằng điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến triển vọng ngành thép toàn cầu nhờ giá bán tăng cao sẽ cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Ngành thép Việt Nam hưởng lợi kép từ (1) giá bán tăng, đặc biệt là HRC và (2) nhu cầu từ thị trường xuất khẩu lớn khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng.
Theo BSC, các yếu tố tác động đến giá thép bao gồm: Tháng 4 hàng năm là mùa cao điểm truyền thống của tiêu thụ thép ở Trung Quốc, năm nay nhu cầu sẽ được hỗ trợ bởi các dự án đầu tư công của 2020 chuyển tiếp và giải ngân mới trong năm, cùng với hoạt động sản xuất hồi phục dự báo sẽ thúc đẩy tiêu thụ tăng mạnh.
Thứ hai, nguồn cung nội địa giảm theo chính sách chung của chính phủ Trung Quốc kết hợp với chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 2016-2020, Trung Quốc đã cắt giảm 150 triệu tấn thép sản xuất theo công nghệ lạc hậu (tương đương 11% tổng công suất) trước thời hạn.
Kể từ đầu năm 2021, Trung Quốc tiếp tục hạn chế sản xuất thép nhằm tập trung cho mục tiêu kiểm soát lượng khí thải carbon (15% đến từ ngành công nghiệp sản xuất thép). Theo đó, thành phố Đường Sơn (Hà Bắc, Trung Quốc) – thủ phủ sản xuất 14% sản lượng thép của Trung Quốc đã yêu cầu các cơ sở sản xuất không đáp ứng được yêu cầu về khí thải phải cắt giảm. thậm chí tạm dừng hoạt động. 07 nhà máy thép vi phạm quy định môi trường sẽ phải cắt giảm 50% sản lượng đến 30/06 và giảm 30% trong nửa cuối năm 2021; ngoài ra 16 cơ sở gia công khác cũng phải cắt giảm sản lượng 30% đến hết năm. Ước tính sản lượng thép sẽ giảm 5,000-12,000 tấn/ngày, tương đương 1-3% sản lượng của Đường Sơn.
Trung Quốc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất thép từ lò cao sang lò điện. Kể từ đầu T1/2021, Trung Quốc cho phép hoạt động nhập khẩu thép phế được tái khởi động, nhằm đảm bảo nguyên liệu cho các lò điện (EAF) trong nỗ lực cắt giảm khí thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Trước đó, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu chất thải rắn (bao gồm phế liệu) từ 1/9/2020 tuy nhiên sau đó đã nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu với một số phế liệu kim loại như đồng, nhôm, thép... và ban hành các quy chuẩn đối với phế liệu nhập khẩu nhằm tạo điều kiện cho nhập khẩu nguyên liệu được khơi thông. Do đó, tỷ trọng sản lượng thép sản xuất theo công nghệ lò điện (EAF) năm 2021 dự kiến sẽ tăng lên 15.2% so với 14.5% năm 2020. Việc dịch chuyển công suất của Trung Quốc sẽ góp phần gây sức ép giảm giá lên quặng sắt và tăng giá đối với thép phế thế giới. Do đó, chi phí sản xuất của các nhà sản xuất thép lò cao sẽ có xu hướng giảm trong khi sức ép tăng giá thành của các nhà sản xuất lò điện cao hơn.
Thứ ba, BSC dẫn lời SteelOrbis, Trung Quốc dự kiến sẽ giảm mức hoàn thuế xuất khẩu đối với khoảng 60 sản phẩm thép, nhằm giảm sản lượng
Mức điều chỉnh đối với các sản phẩm thép chính như thép cuộn cán nóng (HRC), thép thanh, hay thép tấm sẽ giảm từ 13% về 0% trong khi mức hoàn thuế cho thép cuộn cán nguội (CRC) và thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) giảm từ 13% về 9%. Nếu việc hoàn thuế này được thông qua cùng với việc cắt giảm sản lượng ở Đường Sơn đã đẩy giá thép của Trung Quốc lên cao, các sản phẩm thép của Trung Quốc gần như không còn lợi thế cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu vì sẽ tăng khoảng 80-100 USD/tấn. Các thị trường xuất khẩu thép ở châu Á như Ấn Độ, Việt Nam... sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc dường như đang cân nhắc thêm trước khi ra quyết định bởi thời điểm công bố dự kiến (1/4) đã qua mà không có tuyên bố chính thức nào. Kể từ khi tin tức về việc hoàn thuế được lan truyền, thị trường xuất khẩu (đặc biệt là HRC) của Trung Quốc gần như đóng băng, giá cũng được đẩy lên mức cao. Cùng với việc cắt giảm sản lượng ở Đường Sơn, chính sách mới có thể khiến giá thép Trung Quốc tăng nóng hơn, gây ảnh hưởng đến chi phí đầu tư xây dựng và có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ của nước này.
BSC nâng 15% dự báo doanh thu và 30% dự báo về lợi nhuận của HPG so với báo cáo cập nhật gần nhất do nâng giả định về giá bán các sản phẩm thép thêm 10-15% (giả định giá bán thép xây dựng bình quân 2021 là 13.65 triệu/tấn và HRC là 650 USD/tấn). Dự báo doanh thu 2021 của HPG đạt 133.748 tỷ đồng (+48.4% YoY), LNST 24.857 tỷ đồng (+85% YoY), tương đương EPS 7.380 đồng/CP.
Châu Cao (Tổng hợp)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị